Phòng CSGT Đường bộ – Đường sắt, Công an TP HCM vừa chạy thử nghiệm kênh thông tin Official Account “Phòng CSGT ĐB-ĐS CATP HCM” trên nền tảng mạng xã hội Zalo. Nhờ liên kết trực tiếp với Cổng Dịch vụ công quốc gia, người dùng truy cập vào trang Zalo này có thể tra cứu thông tin vi phạm qua hình ảnh (số hóa phạt “nguội”), thực hiện nộp phạt trực tuyến nhanh chóng.
Hỗ trợ như “VAR” trong giao thông
Số hóa phạt “nguội” được xem là bước tiến lớn trong việc áp dụng khoa học, kỹ thuật vào hoạt động theo dõi, kiểm soát, xử lý đối với vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông và đang được nhân rộng tại TP HCM.
Theo dõi tình hình giao thông qua hệ thống camera tại Đội Chỉ huy Giao thông và Điều khiển đèn tín hiệu giao thông. Ảnh: TRẦN NAM
Đội Chỉ huy Giao thông và Điều khiển đèn tín hiệu giao thông (gọi tắt là Đội CHGT) thuộc Phòng CSGT Đường bộ – Đường sắt, Công an TP HCM đang tiếp nhận dữ liệu từ hơn 500 camera giám sát giao thông được lắp đặt trên các tuyến đường trọng điểm. Trong đó, có 9 camera giám sát tốc độ được bố trí trên các tuyến đường Quốc lộ 1, Quốc lộ 22, xa lộ Hà Nội, Nguyễn Văn Linh, hầm Thủ Thiêm, cầu vượt Cát Lái, cầu vượt Phú Mỹ và hệ thống camera trên 14 tuyến đường nội đô TP. Hệ thống giám sát được bố trí ghi hình 24/24 giờ. Trong đó, có hệ thống ghi hình ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) có khả năng phát hiện và xác định phương tiện vi phạm được tiến hành hoàn toàn tự động. Những camera chất lượng cao này có khả năng số hóa, nhận diện biển số xe và thông tin về phương tiện vi phạm. Hệ thống xử lý dữ liệu liên tục, có thể sử dụng cho xử phạt “nóng” hoặc phạt “nguội” vì thời gian phát hiện và xử lý rất nhanh; có khả năng phát hiện, xử lý cùng lúc nhiều đối tượng vi phạm, xử lý đa làn, đa biển số. Trường hợp chưa có điều kiện phạt “nóng”, dữ liệu sẽ được báo cáo cấp có thẩm quyền tổ chức xác minh, gửi thông báo vi phạm đến chủ phương tiện, đến cơ quan công an nơi có hành vi vi phạm bị phát hiện để giải quyết.
Công nghệ camera giám sát thông minh này được ví như “VAR” (công nghệ video hỗ trợ trọng tài trong môn bóng đá) giao thông bởi bằng chứng vi phạm được tự động kết xuất dưới dạng hình ảnh, thể hiện rõ quá trình vi phạm và thông tin biển số của phương tiện vi phạm. Ngoài hình ảnh, hệ thống còn lưu trữ video ghi lại quá trình phương tiện vi phạm để phục vụ công tác tra cứu sau này. Nhận được thông báo, chủ xe sẽ lên Đội CHGT để xác minh lỗi. Sau khi chủ xe chấp nhận lỗi, CSGT lập biên bản và ra quyết định xử phạt. Trường hợp chủ xe không phải là người điều khiển phương tiện vi phạm thì phải “truy tìm” người đã điều khiển xe vi phạm mà mình sở hữu. Nếu chủ xe không tìm được thì theo điều 80 Nghị định 100, chủ xe phải đóng phạt. Trường hợp sau 15 ngày, người vi phạm không đến thực hiện quyết định xử phạt, CSGT sẽ gửi giấy nhắc hẹn; nhưng vẫn không đóng phạt thì đối với ôtô, sẽ không được đăng kiểm xe. Trong năm 2021, CSGT TP HCM trích xuất lỗi vi phạm hơn 110.000 trường hợp; chủ yếu là các lỗi dừng đỗ xe không đúng quy định, tốc độ, đi vào đường cấm, không chấp hành biển báo, tín hiệu đèn… Trong đó, có 25.026 trường hợp đóng phạt, với số tiền gần 29 tỉ đồng.
Thiếu tá Lê Hồng Phương, Phó Đội trưởng Đội CHGT, cho biết việc triển khai áp dụng công nghệ phạt “nguội” đã hỗ trợ tích cực cho lực lượng CSGT phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh đối với các hành vi vi phạm giao thông. Từ đó, góp phần nâng cao ý thức chấp hành quy định về an toàn giao thông của người tham gia giao thông.
Tra cứu và nộp phạt “nguội” nhanh
Bên cạnh ứng dụng công nghệ xử phạt vi phạm giao thông, quy trình nộp phạt cũng dần được số hóa, việc tra cứu vi phạm giao thông qua hình ảnh đã được thực hiện dễ dàng. Bằng điện thoại thông minh, người dùng nhập biển kiểm soát của phương tiện là có thể tra cứu thông tin phạt “nguội” nhanh chóng.
Cụ thể, qua chatbox của Official Account “Phòng CSGT ĐB-ĐS CATP HCM”, người dùng truy cập vào mục “Tra cứu vi phạm hình ảnh” trên “Menu”. Tại trang màn hình “Tra cứu lỗi”, người tra cứu thực hiện nhập biển số xe muốn tìm thông tin và mã xác nhận theo hướng dẫn. Sau đó, nhấn “Tìm kiếm” để nhận kết quả. Hoặc, người gửi yêu cầu tra cứu còn có thể đăng ký nhận thông báo vi phạm qua email.
Bên cạnh đó, người vi phạm (hoặc người được ủy quyền) còn có thể nộp phạt “nguội” trực tuyến. Để thực hiện được thao tác này, người nộp phạt phải đăng ký tài khoản trên Cổng Thông tin dịch vụ công quốc gia. Qua chatbox của tài khoản Zalo “Phòng CSGT ĐB-ĐS CATP HCM”, người dùng chọn mục “Nộp phạt vi phạm hành chính trực tuyến” trên menu liên kết. Sau đó điền “Số quyết định” và “Mã bảo mật”, chọn tiếp “Tra cứu”. Đối với trường hợp thanh toán và nhận kết quả tại cơ quan xử phạt, người dùng chọn “Thanh toán và nhận kết quả tại cơ quan xử phạt”. Nhập thông tin người nộp tiền như yêu cầu, bấm chọn “Thanh toán”. Hệ thống sẽ yêu cầu lựa chọn ngân hàng như Vietcombank, VietinBank… hoặc trung gian thanh toán như VNPTPay, Momo. Tiếp tục đăng nhập theo yêu cầu, người dùng sẽ hoàn tất các bước bằng việc được xác nhận thanh toán thành công. Lúc này, người dùng có thể tải biên lai về máy tính hoặc điện thoại để xuất trình khi nhận giấy tờ tạm giữ tại cơ quan xử phạt.
Đối với trường hợp thanh toán trực tuyến và nhận kết quả tại nhà, người dùng chọn “Thanh toán và nhận kết quả tại nhà”. Trong quá trình thực hiện các bước thanh toán, người dùng có thể thay đổi địa chỉ nhận theo nhu cầu của mình. Tương tự như việc đăng ký nhận kết quả tại cơ quan xử phạt, các bước thao tác nộp phạt trực tuyến và nhận kết quả tại nhà cũng được kết thúc bằng thông báo xác nhận thanh toán.
Đặt lịch hẹn, “chat” Zalo với CSGT
Theo lãnh đạo Phòng CSGT Đường bộ – Đường sắt, điểm đặc biệt của Official Account “Phòng CSGT ĐB-ĐS CATP HCM” là chức năng cho phép người dân đặt lịch hẹn để liên hệ và cho phép chuyển tin nhắn phản ánh, khiếu nại của người dân đến ban chỉ huy, cán bộ được giao, theo dõi xử lý vụ việc. Sau thời gian chạy thử nghiệm, Phòng CSGT Đường bộ – Đường sắt sẽ đánh giá hiệu quả của trang Zalo này, đồng thời nâng cấp một số tính năng hoàn thiện hơn để phục vụ nhu cầu của người dân.
Tổng hợp tin tức công nghệ mới nhất 24h
Nguồn: Sưu Tầm