Trong đó, CSDLQG về dân cư có vị trí quan trọng hàng đầu, thậm chí còn được gọi là “trái tim của chính phủ số”. Các thông tin cá nhân cần thiết của mọi công dân đều được lưu trữ trong CSDLQG về dân cư. Hầu như các lĩnh vực trong chuyển đổi số toàn diện quốc gia liên quan đến công dân đều phải dựa vào CSDLQG này.

Chiều 25-2-2021, tại TP Hà Nội, Bộ Công an đã khai trương Hệ thống CSDLQG về dân cư và Hệ thống sản xuất, cấp, quản lý CCCD. Đến ngày 22-6-2021, Bộ Công an công bố vận hành chính thức 2 hệ thống này từ ngày 1-7-2021, khi Luật Cư trú năm 2020 có hiệu lực.

Tuy nhiên, CSDLQG chưa thể phát huy được tối đa lợi ích nếu chưa được khai thác đúng mức. Bởi lẽ, nhiều cơ quan chức năng vẫn theo nếp nghĩ “chờ nước tới chân mới nhảy” thay vì dựa theo quy hoạch mà chuẩn bị mọi thứ để có thể kết nối khai thác ngay sau khi cổng được mở. “Nhạc trưởng” là Chính phủ chuyển đổi số phải đưa ra lộ trình cho các thành viên khai thác CSDLQG, vốn là nền tảng cho công cuộc chuyển đổi số. Người dân phải tiếp tục chịu phiền toái và tốn kém cả thời gian lẫn tiền bạc trước sự chậm trễ kết nối liên thông để khai thác CSDLQG về dân cư của các cơ quan chức năng. Cứ tính lượng thời gian và chi phí cho mỗi thủ tục cập nhật thông tin của từng người dân rồi nhân lên số người phải thực hiện, chúng ta sẽ thấy con số lãng phí khủng khiếp đến chừng nào.

Chẳng hạn, sau khi có thẻ CCCD mới, khách hàng phải tiến hành cập nhật thay đổi thông tin cho các tài khoản ngân hàng. Theo quy định, họ bắt buộc phải trực tiếp đến làm việc tại cơ sở giao dịch của ngân hàng. Chuyện dính dáng tới tài sản, tiền bạc thì phải cẩn trọng. Thế nhưng, trong khi một số ngân hàng chỉ cần quét mã QR tên thẻ CCCD gắn chip là có thể xác thực, thì lại có không ít ngân hàng bắt buộc phải có giấy của cơ quan công an xác định 2 số CMND cũ và mới là của một người.

Đến nay, hầu như chưa có cơ quan nào tự động cập nhật sự thay đổi số CCCD mới cho người dân mà bắt buộc họ phải tự làm một cách thủ công. Sẽ tiết kiệm nếu như thủ tục thay đổi thông tin này được thực hiện online (có thể qua cổng dịch vụ hành chính công). Nếu liên thông với CSDLQG, cơ quan tiếp nhận yêu cầu chỉ cần truy cập để xác thực là đủ. Các cơ quan chức năng cũng cần rà soát lại những quy định pháp lý cũ để kịp sửa đổi cho phù hợp với tình hình mới trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay.

Trước đây, theo Nghị định 137/2015/NĐ-CP (quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật CCCD), việc cập nhật, thay đổi, chỉnh sửa thông tin cá nhân của người dân trên CSDLQG về dân cư phải do thủ trưởng cơ quan công an cấp quận – huyện trở lên nơi người đó thường trú thực hiện. Gần đây, quy định thuận tiện hơn cho người dân khi Thông tư 59/2021/TT-BCA hướng dẫn thực hiện Nghị định 137/2015/NĐ-CP cho phép trưởng công an cấp xã – phường có thẩm quyền chỉnh sửa thông tin của công dân trên CSDLQG về dân cư. Người dân sẽ thuận tiện biết bao nếu dựa trên cơ sở liên thông dùng chung, họ chỉ cần yêu cầu tại cơ quan công an nơi mình tạm trú rồi nội bộ ngành công an sẽ xử lý với nhau, không cần người dân phải về tận nơi thường trú xác thực.

Trừ những lĩnh vực quan trọng cần có sự xác thực trực tiếp của chính chủ, còn lại thì tốt nhất là các cơ quan liên quan tự động kết nối với CSDLQG để cập nhật hay xác thực cho người dân. Ở bước đơn giản hơn, người dân chỉ cần yêu cầu online là cơ quan tiếp nhận có thể tiến hành. Việc này càng thuận lợi hơn nữa khi người dân giờ đây có thêm tài khoản định danh cá nhân để định danh điện tử và xác thực điện tử. Chuyển đổi số mà vẫn phải dùng tới giấy và giao dịch trực tiếp thì vẫn còn bất cập, nửa vời.

Phạm Hồng Phước