Busan là thành phố lớn thứ hai và là nơi có cảng biển lớn nhất tại Hàn Quốc. Thành phố ven biển này đang đối diện với mực nước biển dâng cao và biến đổi khí hậu đe dọa sự tồn tại của nó.

Công ty Phát triển thành phố nổi Oceanix cùng các công ty kiến ​​trúc Bjarke Ingels Group (BIG) và Samoo Architects & Engineers thực hiện một dự án do Liên Hiệp Quốc tài trợ, có thể giúp giải quyết tình trạng nước biển dâng và biến đổi khí hậu.

Hàn Quốc đang xây dựng thành phố tự... chống ngập! - Ảnh 1.

Các thành phố nổi như OCEANIX Busan có thể giúp giải quyết tình trạng nước biển dâng và biến đổi khí hậu. Ảnh: OCEANIX/BIG

Thành phố nổi nguyên mẫu Oceanix Busan có diện tích khoảng 6 ha, có thể tự sản xuất năng lượng, nước và thực phẩm mà không cần phụ thuộc vào tài nguyên của Busan. Công trình dự kiến ​​hoàn thành vào năm 2025.

Thành phố nổi được xây dựng trên các bệ rỗng, dày được làm bằng bê tông và giữ không khí bên dưới để duy trì toàn bộ cơ chế nổi lên mặt nước.

Hàn Quốc đang xây dựng thành phố tự... chống ngập! - Ảnh 2.

Các nền tảng nổi được thiết kế để chịu được trọng lượng của các tòa nhà năm tầng. Ảnh: OCEANIX/BIG

“Độ sâu của bệ tạo ra một khoảng trống lớn trong thân, gần giống như một tầng hầm chứa chủ yếu là không khí để chống lại sức nặng của các tòa nhà bên trên. Không gian này cũng có chức năng như một khu vực lưu trữ năng lượng và quản lý chất thải” – đại diện của BIG cho biết.

Thành phố thông minh này còn có hệ thống có thể di chuyển lên xuống, neo kết nối các nền tảng với đáy biển để giảm thiểu chuyển động ngang. “Thành phố có khả năng chống ngập. Khi nước dâng lên, các bệ có thể nổi và nền móng của chúng cũng sẽ thích ứng với mực nước” – kỹ sư trưởng Pietrobelli cho biết.

Các nhà thiết kế khẳng định, sống trên thành phố nổi Oceanix Busan gần như ở đất liền ngay cả khi phải hứng chịu những con sóng cao nhất. Do đó, khi trời yên bể lặng không ai có cảm giác buồn nôn dù đang trên thành phố nổi.

Nguyên mẫu cho thành phố nổi có thể là nơi cư trú cho 12.000 cư dân nhưng vì nền tảng là môđun, nó có thể được mở rộng để chứa tới 100.000 người. Khi mở rộng quy mô, các bệ sẽ được sắp xếp theo hình lục giác lấy cảm hứng từ tổ ong.

Hàn Quốc đang xây dựng thành phố tự... chống ngập! - Ảnh 3.

Bản vẽ các bệ nổi. Ảnh:OCEANIX/BIG

Hàn Quốc đang xây dựng thành phố tự... chống ngập! - Ảnh 4.

Các nền tảng được thiết kế với một cạnh thấp để người dân có thể tiếp cận trực tiếp với nước. Ảnh:OCEANIX/BIG

Theo trang web của Oceanix, nguyên mẫu thành phố có ba nền tảng. Mỗi nền tảng có mục đích sử dụng cụ thể: dân cư, sinh hoạt hàng ngày và nghiên cứu.

Các nền tảng nhà ở sẽ cung cấp một loạt các lựa chọn nhà ở, bao gồm cả căn hộ và khách sạn. Khu phố trên nền tảng sinh hoạt hàng ngày sẽ tương tự như các đường phố của Busan. Ở đó có những con hẻm nhỏ của những người bán thực phẩm và nhiều cơ sở kinh doanh địa phương khác nhau.

“Mỗi nền tảng sẽ có một gian hàng di động, nơi bạn có thể chuyển đổi giữa các phương tiện trên cạn và trên mặt nước. Bạn cũng có thể đi bộ từ nhà của mình hoặc sử dụng thuyền hoặc phà để di chuyển giữa các vùng khi thành phố phát triển” – kỹ sư Sundlin nói thêm.

Các tòa nhà trên thành phố nổi được thiết kế cao 5 tầng, trên mái của các tòa nhà sẽ có các tấm pin mặt trời để tạo ra năng lượng, có các khu vực dành riêng cho các trang trại khí canh và thủy canh.

Thành phố nổi đang được thiết kế như một giải pháp thay thế cho việc cải tạo đất, đặc biệt là đối với các thành phố ven biển cần mở rộng do dân số ngày càng tăng. Cũng nhờ đó, có thể cải thiện vấn đề môi trường vì nền của bệ sẽ giúp thu hút sinh vật biển.

Tuy nhiên, thành phố nổi vẫn sẽ được gắn với các lưới năng lượng và hệ thống nước từ đất liền trong trường hợp khẩn cấp, các nhà thiết kế cho biết.

Bằng Hưng (Theo Insider)