Ngoài một số ít hãng công nghệ có nguồn lực tài chính dồi dào đã nhanh tay tranh thủ “gom hàng”, mua số lượng lớn chip và linh kiện dự trữ, đa số các hãng bị khốn đốn vì tình trạng khan hiếm linh kiện.

Đứt nguồn cung từ Trung Quốc, Nga

Trong thời gian gần đây, nhiều hãng công nghệ từ khi ra mắt sản phẩm tới lúc mở bán tại các nước lâm vào tình trạng kéo dài bất thường, thậm chí bị lỡ thời điểm “vàng” phát hành. Ngoài ra, nhiều dòng smartphone, thường là từ cận cao cấp trở lên, không thể mở bán đồng loạt toàn cầu mà chỉ lần lượt từng thị trường, với số lượng có hạn. Tình trạng này là hệ quả của cuộc khủng hoảng chip bán dẫn và các linh kiện điện tử bị thiếu hụt do khâu sản xuất lẫn nguồn cung vật liệu bị đình trệ.

Smartphone sống chậm do khủng hoảng chip - Ảnh 1.

Bên trong nhà máy sản xuất chip bán dẫn .Ảnh: INTERNET

Lâu nay, Trung Quốc vẫn là một đại công xưởng lớn nhất thế giới chuyên gia công, sản xuất cho nhiều hãng công nghệ trên toàn cầu. Không chỉ có thế mạnh về xưởng sản xuất mà nước này còn là đầu mối của chuỗi cung ứng nguồn nguyên vật liệu cho toàn cầu. Vì vậy, khi đại dịch Covid-19 được công bố ở Trung Quốc vào cuối năm 2019, việc sản xuất vẫn lâm vào tình trạng khó khăn do nhiều địa phương ở nước này liên tục bị phong tỏa vì dịch bệnh. Đây là sự bất lợi đối với ngành công nghệ thế giới do phụ thuộc vào Trung Quốc. Hai nguyên liệu quan trọng để sản xuất chip bán dẫn là kim loại hiếm palladium và khí neon. Khí neon được sử dụng trong laser giúp thiết kế chất bán dẫn, palladium được sử dụng trong các chip cảm biến, một số loại bộ nhớ máy tính đều có nguồn cung cấp lớn nhất là từ Nga và Ukraine. Vì vậy, khi cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine xảy ra vào cuối tháng 2-2022, tình hình sản xuất các thiết bị công nghệ càng thêm khó khăn. Ngoài ra, Trung Quốc và Nga đóng vai trò lớn trong việc cung ứng đất hiếm – một vật liệu thiết yếu để sản xuất máy tính, smartphone…

Hiện có 2 nhà sản xuất chip bán dẫn lớn nhất thế giới là TSMC (Đài Loan – Trung Quốc) và Samsung Electronics (Hàn Quốc). TSMC là hãng sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới. Hầu hết các công ty bán dẫn fabless (chỉ thiết kế chip, không có nhà máy riêng) hàng đầu như AMD, Apple, Qualcomm, ARM, Broadcom, Marvell, MediaTek… là khách hàng của TSMC. Thậm chí, một số hãng có nhà máy sản xuất chip riêng như Intel, NXP, STMicroelectronics, Texas Instruments… cũng đặt gia công một số sản phẩm tại TSMC. Giữa năm 2021, Đài Loan xảy ra đợt hạn hán lớn nhất trong hơn 5 thập kỷ qua khiến nguồn cung cấp nước và điện bị gián đoạn. Tuy không bị ảnh hưởng lớn bởi sự cố mất điện nhưng TSMC đã bị tình trạng sụt giảm điện áp, ảnh hưởng đến việc sản xuất chip. Từ nửa cuối năm 2021 đến nay, do dịch Covid-19 đã cơ bản được kiểm soát hiệu quả, kinh tế – xã hội dần hồi phục, các nhà sản xuất chip bán dẫn đang bị quá tải vì lượng đơn hàng tăng vọt.

Tận dụng chip tồn kho, mở rộng nguồn cung

Các thương hiệu smartphone – ngay cả những ông lớn trong ngành – đã phải đa dạng hóa nguồn chip trên sản phẩm của mình. Samsung, ngoài 2 dòng chip xử lý di động truyền thống là Samsung Exynos và Qualcomm Snapdragon thì từ năm 2022, đã mở rộng thêm chip của hãng MediaTek. Trước đó, tháng 11-2021, Samsung đã đưa ra smartphone Galaxy A03 Core chạy chipset 28nm của UNISOC; tháng 12-2021 có thêm tablet Galaxy Tab A8 10.5 (2021) chạy chip UNISOC Tiger T618 (12nm).

Để không bị lệ thuộc vào nguồn chip di động từ Qualcomm và MediaTek, ngày càng có thêm nhiều hãng điện thoại di động chọn những chip từ những thương hiệu khác, nhất là cho các dòng sản phẩm cấp thấp. Đầu tháng 6, chiếc POCO C40 thuộc phân khúc đại trà đã ra mắt thị trường Việt Nam với bộ xử lý JR510 (11nm) của JLQ Technology – một hãng bán dẫn ở Thượng Hải – Trung Quốc. Chipset JR510 được giới thiệu có hiệu năng tương đương SoC phổ thông MediaTek Helio G35 và Qualcomm Snapdragon 450. Để giảm nhẹ cuộc khủng hoảng chip bán dẫn, các hãng công nghệ phải mở rộng danh mục các dòng chip và tận dụng triệt để các dòng chip thế hệ trước tồn kho. Các hãng gia công chip nỗ lực tăng sản lượng chip lên cao hơn. Trong những năm qua, 2 nhà gia công chip lớn nhất, nhì thế giới là Qualcomm và MediaTek phải tranh nhau mua thiết bị, máy móc sản xuất chip từ Nhật Bản và châu Âu để tăng sản lượng.

Tối 13-6, trao đổi với chúng tôi về sự khan hiếm vật tư, linh kiện điện tử, ông Nguyễn Quốc Đăng, Tổng Giám đốc Bkav Hardware Service (BHS) – thuộc Tập đoàn Công nghệ Bkav, cho biết do không thể đầu tư vốn quá lớn để mua gom linh kiện như các đại gia công nghệ khác, Bkav chọn giải pháp mở rộng quan hệ đối tác chiến lược với các hãng sản xuất linh kiện, cũng như linh hoạt hơn về các dòng linh kiện sử dụng. Ông Đăng dự đoán tình trạng khủng hoảng chip bán dẫn và linh kiện điện tử có thể kéo dài vài năm nữa. Người dùng công nghệ tất nhiên là những “nạn nhân đầu cuối” của cuộc khủng hoảng chip bán dẫn và chuỗi cung ứng toàn cầu. Họ đành chấp nhận những thiết bị thế hệ mới nhưng có những con chip không ưng ý. Dù các hãng điện thoại di động đang “bù lỗ” cho người dùng bằng cách tăng cường các trải nghiệm người dùng nhưng việc linh hoạt về chip và linh kiện gây ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu suất thật sự của thiết bị. 

Chi lớn để đầu tư nhà máy sản xuất chip

Để đối phó với tình trạng khủng hoảng chip, mới đây, Intel đã công bố kế hoạch xây nhà máy sản xuất chip trị giá 19 tỉ USD tại Magdeburg (Đức). Kế hoạch này được xem là mở đầu cho tham vọng của liên minh Mỹ – châu Âu với dự định chi 100 tỉ USD để mở các nhà máy chip ở ngoài châu Á. Trước đó, Intel cho biết sẽ đầu tư ít nhất 20 tỉ USD vào cơ sở sản xuất chip mới tại New Albany (bang Ohio – Mỹ). Các nỗ lực tăng sản lượng chip và linh kiện này cũng là để đưa thế giới sớm thoát khỏi cơn khát bán dẫn toàn cầu.

Phạm Hồng Phước