Theo đánh giá mới nhất từ Visa, thanh toán số tại Việt Nam sẽ nhanh chóng thay đổi đáng kể nhờ trợ lực từ AI tạo sinh…
Thay đổi thanh toán số
Theo Visa, AI tạo sinh đã và đang diễn ra trong nhiều ngành công nghiệp, bao gồm các dịch vụ tài chính, tiêu biểu là giải pháp tài chính nhúng. Tài chính nhúng – được biết đến như hình thức tích hợp nhiều cách thức thanh toán khác nhau trên các nền tảng phi tài chính – đang ngày càng trở nên phổ biến trong cuộc sống tiêu dùng hiện đại tại Việt Nam.
Chẳng hạn người dùng sử dịch vụ A và được kết nối trực tiếp đến ứng dụng thanh toán B và thực hiện giao dịch nhanh chóng, tiện lợi. Bất kể trong dịch vụ đặt chung xe hay đặt đồ ăn qua ứng dụng, người dùng đều đang hưởng lợi từ trải nghiệm thanh toán – mua sắm liền mạch hơn bao giờ hết.
Ngược lại, doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh cũng có thể tận dụng hình thức tài chính nhúng để phát triển các giải pháp thanh toán thuận tiện hơn, giúp rút ngắn quy trình giao dịch thông thường.
Bà Đặng Tuyết Dung, giám đốc Visa Việt Nam và Lào, cho biết: “Chúng tôi nhận thấy tiềm năng to lớn của trí tuệ nhân tạo và tài chính nhúng”. Theo bà Dung, Visa đang kết hợp cùng nhiều đối tác chiến lược để phát triển hệ sinh thái thanh toán ngày càng thuận tiện và an toàn hơn, nâng cao trải nghiệm cho người dùng tại Việt Nam.
Tăng tốc kinh tế số
Bên cạnh thanh toán số, AI cũng hứa hẹn sẽ giữ vai trò quan trọng trong việc đơn giản hóa và đảm bảo các quy trình phê duyệt và thu hồi cho cả người dùng lẫn doanh nghiệp. Công nghệ này cũng tăng cường khả năng phát hiện và phòng chống gian lận, cải thiện công tác quản lý tranh chấp và tự động hóa các dịch vụ tư vấn tài chính.
Ông Li Hai, giám đốc an ninh bảo mật, quan hệ chính phủ và truyền thông Huawei châu Á – Thái Bình Dương (APAC), cho rằng AI đang là công cụ quan trọng cho phép các ngành công nghiệp nâng cao hiệu quả và năng suất ở quy mô lớn hơn thông qua “Tri thức + Dữ liệu + Thuật toán + Sức mạnh điện toán”. Dữ liệu là thành phần, thuật toán là động lực, sức mạnh điện toán là cơ sở hạ tầng… của AI.
Với AI tạo sinh, thế giới đang ở thời điểm bước ngoặt của kỷ nguyên số. AI tạo sinh dân chủ hóa việc sử dụng AI, trao quyền sử dụng cho mọi lực lượng lao động, tạo điều kiện đổi mới và trao cơ hội kinh doanh mới cho khu vực công lẫn tư.
Ông Li Hai cho rằng AI tạo sinh là “nhân tố thay đổi cuộc chơi” có tác động lớn đến nền kinh tế và xã hội, thúc đẩy năng suất và sản lượng tăng trên 18%. Khi đó, khả năng cạnh tranh của nền kinh tế số của mỗi quốc gia phụ thuộc vào sức mạnh điện toán bình quân đầu người và ngược lại, cơ sở hạ tầng sức mạnh điện toán cũng trở thành động cơ mới của mỗi nền kinh tế số.
Ông Li Hai đưa ra dự đoán AI có thể làm tăng sức mạnh điện toán lên gấp 500 lần. Do đó hơn 50 nước đã đưa mục tiêu thúc đẩy hợp tác và đổi mới, xây dựng chính sách và tiêu chuẩn về AI vào chiến lược chuyển đổi số quốc gia.
Để giúp các nhà hoạch định chính sách đánh giá tiến độ nền kinh tế số mỗi quốc gia, Huawei đã hợp tác nghiên cứu với Tập đoàn dữ liệu quốc tế IDC giới thiệu chỉ số DFE (Digital First Economy Index), nhằm đo lường liên tục mức độ sẵn sàng của cơ sở hạ tầng kỹ thuật số.
Theo điểm DFE, Việt Nam và hầu hết quốc gia châu Á – Thái Bình Dương chỉ mới ở giai đoạn đầu và chưa nước nào đạt được mức độ chuẩn bị sẵn sàng cao nhất cho nền kinh tế số. Cải thiện chỉ số DFE sẽ tạo ra tác động cấp số nhân đối với tăng trưởng GDP: tăng 1 điểm DFE tương quan với mức tăng trưởng 3% GDP.
AI làm tăng độ nguy hiểm của tấn công mạng
Theo dự báo của Hãng bảo mật Kaspersky, các công cụ AI mới nổi dễ dàng soạn thảo những tin nhắn lừa đảo trực tuyến, thậm chí cho phép bắt chước các cá nhân cụ thể.
Những kẻ tấn công có thể nghĩ ra các phương pháp tự động hóa sáng tạo bằng cách thu thập dữ liệu trực tuyến và cung cấp dữ liệu đó cho mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) để tạo ra nội dung tin nhắn giống như người quen của nạn nhân.
Chẳng hạn chiến dịch tấn công mạng nhắm vào các thiết bị iOS có tên “Operation Triangulation” bị phát hiện hồi tháng 10-2023 đã đánh dấu một năm báo động trong hoạt động khai thác các lỗ hổng trên di động và mở đường cho nhiều nghiên cứu hơn về APT (tấn công mạng có chủ đích) tấn công trên thiết bị di động, thiết bị đeo thông minh và thiết bị thông minh.
AI cũng có thể làm tăng các cuộc tấn công không cần nhấp chuột (zero-click attack) thông qua trình nhắn tin, tấn công bằng một cú nhấp chuột (one-click attack) qua SMS hoặc ứng dụng nhắn tin cũng như chặn lưu lượng truy cập mạng. Vì vậy, việc bảo vệ các thiết bị cá nhân và doanh nghiệp ngày càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Ông Igor Kuznetsov, giám đốc nhóm nghiên cứu và phân tích toàn cầu (GReAT) tại Kaspersky, chia sẻ: “Chúng tôi dự đoán rằng các xu hướng sắp tới sẽ vượt xa những tác động của AI, bao gồm các phương pháp tân tiến để tiến hành các cuộc tấn công chuỗi cung ứng, sự xuất hiện của các dịch vụ hack cho thuê, các cách khai thác lỗ hổng mới dành cho thiết bị tiêu dùng”.
Tuổi Trẻ Online – Nhịp sống số – RSS Feed
Nguồn: Sưu Tầm internet