Công nghệ AI và thực tế ảo (VR) thời gian gần đây nổi lên như 2 công cụ sáng tạo, giúp doanh nghiệp (DN) nâng tầm trải nghiệm mua sắm, tạo sự thiện cảm, quyết định mua hàng nhanh chóng của khách hàng và đạt được lợi thế cạnh tranh trên thị trường.
Tự động hóa nhiều công đoạn
Bà Kelly Nong, Giám đốc Contentos tại Việt Nam (một nền tảng Blockchain, một hệ sinh thái phi tập trung để sản xuất và phân phối nội dung số), cho biết sự xuất hiện của AI và VR đã khiến cho các ngành nghề có sự thay đổi rõ rệt.
Điều đó thể hiện rõ ràng nhất trong ngành kiến trúc, kỹ thuật và xây dựng. Các thiết kế 3D của sản phẩm nội thất, căn nhà cấp 4 hay đồ dùng được đặt hàng riêng theo tiêu chuẩn khách hàng với tỉ lệ 1:1 sẽ được kỹ sư tạo ra và thực hiện trên không gian ảo. Thay vì các DN phải tốn nhiều thời gian chỉ để thuyết trình bản vẽ, giới thiệu sản phẩm chưa hình thành thì giờ đây khách hàng đã có thể tự cảm nhận một cách chân thực đến 99% bằng công nghệ VR. Việc này giúp họ có những góc nhìn bao quát và đưa ra quyết định đúng đắn. “AI giúp DN tự động hóa, tối giản nhiều công đoạn, VR giúp cho DN dễ dàng thuyết phục khách hàng. Đó là một sự kết hợp hoàn hảo. Khi thiết kế 3D của một căn nhà được đưa lên không gian ảo, khách hàng sẽ sử dụng thiết bị VR đi vào từng ngõ ngách của chính căn nhà đó, giúp kiểm tra và tối ưu hóa thiết kế trước khi bắt đầu dự án. Điều này cũng giúp giảm thiểu sai sót, tăng hiệu suất công việc và tiết kiệm chi phí cho DN và khách hàng” – bà Kelly Nong nói.
Theo ông Nguyễn Minh Nguyên, chủ một DN về lĩnh vực giáo dục tại TP HCM, DN đang xây dựng AI để đưa vào hệ thống nhằm tạo ra môi trường học tập cá nhân hóa, tối ưu hóa trải nghiệm giảng dạy và khả năng tương tác. “Trong giảng dạy tiếng Anh, AI giúp cá nhân hóa giáo dục, tùy chỉnh nội dung học và đánh giá hiệu suất học viên. VR tạo môi trường học tập chân thực, giúp học viên thực hành giao tiếp trong các tình huống thực tế. Kết hợp, chúng tạo ra trải nghiệm học tập tương tác, tăng cường kỹ năng ngôn ngữ và tự tin giao tiếp, đồng thời cung cấp cho giáo viên công cụ quản lý và đánh giá hiệu quả giảng dạy” – ông Nguyên nói.
Theo trang Techopedia, 91% các tổ chức hàng đầu trên thế giới đang đầu tư vào hoạt động AI. Thị trường AI toàn cầu hiện có giá trị khoảng 136 tỉ USD, tốc độ tăng trưởng hằng năm từ 2023 đến năm 2030 ở mức 37% và dự kiến đến năm 2030 sẽ đạt giá trị 1.350 tỉ USD. Khi đó, AI dự báo sẽ đóng góp khoảng 15.700 tỉ USD cho nền kinh tế toàn cầu. Còn Meta do ông Mark Zuckerberg làm CEO, là DN đi đầu trên thế giới đang phát triển công nghệ VR khi rót hàng tỉ USD mỗi quý với tham vọng về thế giới ảo tương lai bất chấp thị trường thực tế ảo đang tiếp tục lao dốc. Điều đó thể hiện AI và VR đang được thế giới đặc biệt quan tâm.
Hỗ trợ phát huy đổi mới, sáng tạo
Lo lắng vì sợ vị trí công việc bị công nghệ thay thế, bà Nguyễn Thị Ly, nhân viên văn phòng tại TP HCM, bộc bạch: “Công ty cũng đang chú trọng ứng dụng công nghệ AI để tinh giản quy trình nên có lẽ các công việc như chăm sóc khách hàng, theo dõi chứng từ hay marketing sẽ dần do AI đảm nhiệm”.
Ông Nguyễn Minh Nguyên cho rằng việc tích hợp AI và VR không chỉ giúp nhân sự có nhiều cơ hội trong việc phát huy đổi mới nội tại mà còn khiến họ sớm thích nghi với thị trường lao động hiện đại. Qua đó, thúc đẩy sự sáng tạo và đóng góp tích cực vào sự phát triển DN. Ông Trần Tiến Công, chuyên gia công nghệ thông tin, nhận xét AI và VR đang ngày càng đi sâu vào đời sống con người sau khi có sự xuất hiện của phần mềm ChatGPT, Gemini… hay các loại kính VR được bán rộng rãi trên thị trường đã thể hiện rõ chúng đang trở thành một công cụ hỗ trợ hơn là thay thế. Ông Công dẫn chứng trong y tế, AI giúp nâng cao việc chẩn đoán bệnh lý đến tối ưu hóa quy trình điều trị còn VR hỗ trợ cho công tác đào tạo y tá và bác sĩ, cũng như giảm căng thẳng cho bệnh nhân qua trải nghiệm thực tế ảo.
Theo các chuyên gia công nghệ, công nghệ AI và VR có tiềm năng thay thế một số công việc nhưng không thể hoàn toàn thay thế người lao động. AI có thể thực hiện các nhiệm vụ lặp lại và phức tạp, trong khi VR tạo ra môi trường giả lập. Tuy nhiên, vai trò nhân văn, tư duy sáng tạo và tương tác con người vẫn là không thể thay thế. Sự kết hợp linh hoạt giữa công nghệ và nhân sự là chìa khóa để tối ưu hóa hiệu quả và tạo ra môi trường làm việc đa dạng và phát triển.
Mới đây, Cognition Labs, start-up về AI tại Mỹ đã ra mắt kỹ sư phần mềm Devin được xây dựng bằng AI, có khả năng đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ phát triển phần mềm. Devin sở hữu năng lực của một đội ngũ lập trình viên, bảo đảm hoàn thành mọi giai đoạn phát triển phần mềm, từ lập kế hoạch, xác định yêu cầu đến triển khai thiết kế. Nhóm kỹ sư con người đã tích hợp cho “kỹ sư ảo” kỹ năng quản lý dự án và phân tích kinh doanh, giúp hiểu rõ mục tiêu và lên kế hoạch thực hiện dự án hiệu quả.
Kết hợp AI để lắng nghe người dân
Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) TP HCM mới đây đã tổ chức lễ công bố triển khai phần mềm “Lắng nghe mạng xã hội”. Đây là một công cụ được tích hợp AI và học phân tích dữ liệu một cách thông minh, hiệu quả theo từng nhóm chủ đề, ngành, lĩnh vực và vùng nhằm giúp thành phố hiểu rõ cộng đồng mạng, nắm bắt dư luận và có sự điều chỉnh phù hợp. Ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở TT-TT TP HCM, cho biết phần mềm trên sẽ được dùng cho các sở, ngành, địa phương giúp tiết kiệm thời gian, nguồn nhân lực và chi phí đầu tư. Ngoài ra, chúng phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng người dân trong thực thi chính sách.
Công nghệ | Báo Người Lao Động Online
Nguồn: Sưu Tầm internet