Các nhà khoa học tại ĐH Oxford (Anh) đã phát hiện ra rằng bộ não con người có khả năng chống chịu một cách đáng kinh ngạc trước sự tàn phá của thời gian.
Nghiên cứu do nhà nhân chủng học pháp y Alexandra Morton-Hayward dẫn đầu đã tìm cách vén màn bí ẩn với 4.405 bộ não người được bảo tồn từ 213 nguồn khác nhau trên toàn thế giới (trừ Nam Cực). Đáng chú ý, những bộ não này đều có niên đại từ thế kỷ XVII trở lên, trong đó có những bộ não lên tới 12.000 năm tuổi. “Kho dữ liệu về các bộ não cổ đại còn nguyên vẹn là cơ hội nghiên cứu sinh học – khảo cổ học về sự tiến hóa, sức khỏe và bệnh tật của con người” – các nhà nghiên cứu cho biết.
Các nghiên cứu phân hủy đã chỉ ra rằng bộ não thường là một trong những cơ quan đầu tiên bị phân hủy khi người chết. “Điều này cho thấy có một cơ chế chưa được biết đến có thể đã góp phần bảo quản đặc biệt cho hệ thần kinh trung ương” – TS Morton-Hayward nhận định và gọi đây là “một hiện tượng hiếm gặp”.
Theo nhóm nghiên cứu, điều này cho thấy có thể tồn tại một cơ chế bảo tồn mô mềm đặc biệt của hệ thần kinh trung ương. Cơ chế này vẫn là một ẩn số lớn, mặc dù các nhà nghiên cứu cho rằng nó có thể là sự tương tác giữa những phân tử não với môi trường.
Các chuyên gia nhận định phát hiện này có thể giúp chúng ta hiểu rõ hơn về lịch sử tiến hóa của loài người, cũng như những căn bệnh liên quan đến rối loạn thần kinh, nhận thức và hành vi cổ xưa. Nghiên cứu này được công bố mới đây trên tạp chí Proceedings of the Royal Society B: Biological Sciences.
Công nghệ | Báo Người Lao Động Online
Nguồn: Sưu Tầm internet