Tại họp báo thường kỳ của Bộ Thông tin và Truyền thông chiều 8-4, ông Lê Văn Tuấn, Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện, cho biết vừa qua, tổ chức đấu giá thành công quyền sử dụng tần số vô tuyến điện với các khối băng tần B1 (2500 – 2600 MHz) và khối băng tần C2 (3700 – 3800 MHz), thu về cho ngân sách nhà nước hơn 10 ngàn tỉ đồng.
Trong đó, Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) trúng đấu giá khối băng tần B1 (2500-2600 MHz) với giá 7.533 tỉ đồng; Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam trúng đấu giá khối băng tần C2 (3700-3800 MHz) với giá 2.581 tỉđồng.
Riêng khối băng tần C3 (3800-3900 MHz), do không có đủ số lượng tối thiểu doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia đấu giá theo quy định, nên cuộc đấu giá khối băng tần C3 không thành.
Tính đến ngày 8-4, Viettel đã hoàn thành nghĩa vụ nộp các khoản tài chính theo quy định. Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam hiện đang làm các thủ tục thanh toán, dự kiến ngày mai (9-4) sẽ hoàn tất các nghĩa vụ này.
Đây là lần đầu tiên Việt Nam tổ chức đấu giá thành công tần số, sau 15 năm kể từ khi Luật Tần số vô tuyến điện được Quốc hội thông qua. “Việc đấu giá nâng mức tần số cấp cho thông tin di dộng tăng 59% so với hiện tại” – ông Tuấn nói.
Về câu hỏi khi thương mại hóa, giá 5G ở ngưỡng nào? Ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, cho biết theo quy định về quản lý giá tại Luật Viễn thông, doanh nghiệp viễn thông chủ động định giá dịch vụ áp dụng đối với người sử dụng dịch vụ viễn thông, đồng thời giá dịch vụ được xây dựng dựa trên cơ sở giá thành.
Giá thành dịch vụ được tính toán, hình thành từ nhiều yếu tố như quy mô cung cấp, chi phí, mức độ đầu tư…
“Khi doanh nghiệp trúng đấu giá với khoản tiền đầu tư ban đầu, người dùng sẽ sớm biết giá dịch vụ 5G” – ông Nhã nói.
Đại diện Cục Viễn thông nói thêm lần này ngoài chi phí đầu tư như mạng 3G, 4G, doanh nghiệp phải đầu tư thêm mạng 5G với chi phí tần số, tuy nhiên đổi lại sẽ cung cấp tốc độ truy cập internet cao hơn, hỗ trợ cho khu vực người sử dụng có nhu cầu tốc độ cao, mật độ người sử dụng lớn như phát triển mạng 5G ở khu công nghiệp…
Doanh nghiệp chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu xuất hiện SIM phát triển mới không đúng quy định
Để kiểm tra thông tin về SIM điện thoại, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, cho hay đơn vị này tư vấn Bộ TT-TT thay đổi cú pháp nhắn tin qua đầu số 1414 kèm theo giấy tờ xác minh sim như căn cước công dân và bảo mật cho người sử dụng.
Qua xác minh từ ngày 1-3 đến hết 31-3, các doanh nghiệp báo cáo đã tiếp nhận hơn 6 triệu lượt tra cứu, từ đó có khoảng 1.000 khách hàng phản ánh (về việc có số thuê bao không còn sử dụng/đăng ký) về khoảng 1.200 số thuê bao.
Theo đó, các doanh nghiệp đã loại bỏ các số thuê bao khỏi danh sách mà khách hàng đã phản ánh đứng tên, thực hiện nhắn tin đề nghị gần 1.200 số bị phản ánh xác minh, làm rõ; khóa 1 chiều, 2 chiều gần 200 số.
Bộ TT-TT đã quán triệt từ 15-4-2024, các doanh nghiệp viễn thông di động chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu trên thị trường còn xuất hiện SIM được phát triển mới không đúng quy định.
Trường hợp phát hiện các vi phạm (như SIM tồn kênh có thông tin thuê bao …), Bộ sẽ tổ chức thanh tra xử lý nghiêm các hành vi vi phạm (bao gồm việc xem xét, dừng phát triển mới), đồng thời Bộ TT-TT sẽ xem xét có văn bản nhắc nhở người đứng đầu các doanh nghiệp và báo cáo Thủ tướng chính phủ xem xét có hình thức kỷ luật.
Công nghệ | Báo Người Lao Động Online
Nguồn: Sưu Tầm internet