Vợ chồng Nguyễn Lan Anh (SN 1992) và Lã Quốc Quyền (SN 1995), chủ kênh TikTok Quyền Leo Daily có 4,2 triệu followers (người theo dõi), từng khiến không ít KOL, KOC (người có sức ảnh hưởng trên mạng) sửng sốt với phiên livestream bán hàng kéo dài hơn 13 giờ, đạt doanh số 75 tỉ đồng. Hai tháng sau đó, cặp đôi này tiếp tục gây sốc khi thu về hơn 100 tỉ đồng với phiên livestream kéo dài 17 giờ.
Ảo tưởng kiếm tiền nhanh
Không riêng Quyền Leo Daily, nhiều kênh bán hàng của KOLs gần đây cũng liên tục công bố doanh số từ hàng tỉ đến hàng chục tỉ đồng chỉ sau một phiên livestream. Ngày 4-4, TikToker Phạm Thoại với 4,7 triệu followers đã đạt doanh số 50 tỉ đồng – mức cao nhất từ trước đến nay của KOL này. Cùng ngày, kênh TikTok Ha Linh Official với 4 triệu followers đạt doanh số hơn 30 tỉ đồng. Nhiều kênh bán hàng khác như Long Chun, Viên Vibi… cũng liên tục ghi nhận doanh số cao.
Choáng ngợp trước doanh số được các kênh bán hàng này tự công bố, không ít người ôm mộng bỏ việc làm hiện tại, chuyển hướng xây dựng nền tảng cá nhân để bán hàng online với mong muốn làm giàu nhanh. Đặc biệt, công việc này còn hấp dẫn bởi không cần bỏ vốn, chỉ cần tổ chức các phiên livestream dưới dạng tiếp thị liên kết (affiliate) trên sàn thương mại điện tử (TMĐT) là có thể hưởng 20%-30% doanh số.
Anh Lưu Công Tính (TP Thủ Đức, TP HCM) cho rằng KOLs hiện nay kiếm tiền khá dễ bởi không cần có tới vài triệu followers mà chỉ cần làm theo hình thức affiliate là có thể “ngồi không” mà vẫn kiếm được 25-30 triệu đồng/tháng. “Công việc sáng tạo video lên xu hướng hoặc livestream trên sàn TMĐT, sau đó gắn link sản phẩm khá đơn giản và có thể kiếm được khá tiền” – anh Tính nhận xét và cho biết dự định nghỉ làm nhân viên văn phòng để chuyển sang công việc này.
Trong khi đó, chị N.Q.Q., một KOL chuyên livestream bán sản phẩm thời trang trên sàn TMĐT, cho hay hình thức livestream đã bước vào giai đoạn bão hòa hơn 1 năm nay do lực lượng KOL, KOC ngày càng đông. Lúc này, đòi hỏi về tính sáng tạo ngày càng cao thì mới có thể cạnh tranh, đôi khi KOL phải “làm trò” để tạo sự khác biệt nhằm thu hút khách hàng chốt đơn.
“Thu nhập từ livestream, affiliate không ổn định, phụ thuộc nhiều yếu tố như tính chất của sản phẩm, giá cả, voucher khuyến mãi… Trường hợp KOL vô ý gắn nhầm hàng giả, hàng nhái vào video và bị “bóc phốt” thì coi như phải bỏ nghề. Đã có KOL phải dừng công việc này hoặc phải kinh doanh thêm ở bên ngoài” – chị N.Q.Q. cho biết.
Đừng nhìn bề nổi
Ông Đỗ Quang Huy, Giám đốc Ecotop – hoạt động trong lĩnh vực TMĐT, cho rằng một số người không am hiểu hoạt động affiliate nên chỉ nhìn doanh thu bề nổi mà không đánh giá hết được lợi nhuận, nguồn thu thực tế. Thông thường, bán hàng qua livestream ghi nhận tỉ lệ hủy đơn lên đến 30%-40%, cộng với chi phí trả cho đội ngũ hỗ trợ hay doanh nghiệp công nghệ đứng sau, chi phí chạy quảng cáo, thuế…, thì số tiền thực nhận không còn nhiều.
Hơn nữa, áp lực doanh số của các phiên Mega Livestream (phát sóng livestream đồng thời các chương trình trên đa nền tảng) là rất lớn. Thậm chí, sau khi kết thúc phiên livestream, nếu tỉ lệ hủy đơn quá cao hoặc người dùng phản hồi không tốt, KOL rất khó hợp tác với các nhãn hàng trong những lần sau. Trong khi đó, để có những phiên live bán hàng tiền tỉ như vậy, KOL và đội ngũ hỗ trợ phải chuẩn bị rất nhiều công đoạn, tốn rất nhiều thời gian, từ thỏa thuận tỉ lệ hoa hồng, giá cả, tìm hiểu sản phẩm đến làm việc với nền tảng TMĐT để có mã giảm giá… “Quan trọng là KOL nào được chọn làm gương mặt đại diện cho nhãn hàng còn phụ thuộc vào một phần may mắn” – ông Huy chỉ ra.
Cũng theo Giám đốc Ecotop, người đứng ra livestream phải có những kỹ năng khá đặc biệt như biết cách đẩy “cảm xúc chốt đơn”, không đơn thuần chỉ mở máy tính lên và phát trực tiếp. “Có thể xây dựng bản thân thành KOL để kiếm thêm thu nhập, không nên liều lĩnh nhảy hẳn sang công việc này” – ông Huy khuyến nghị.
Ông Nguyễn Tùng Giang, nhà sáng lập G Investment Group – hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ, cho biết tỉ lệ hủy đơn sau phiên livestream thậm chí có thể lên đến 50%-60%. Bên cạnh đó, không phải KOL nào cũng đàm phán được tỉ lệ thu nhập 15%-20% tổng doanh thu, nhiều người chỉ nhận được 5%-10% – chưa trừ đi chi phí quảng cáo, nhân sự…
Dẫn chứng phiên Mega Livestream ngày 27-4, “bà trùm nông sản” Viên Vibi mang về gần 6 tỉ đồng cho nhãn hàng chỉ trong 8 giờ, một chuyên gia trong lĩnh vực TMĐT phân tích: Thành công này ngoài nhờ năng lực, việc lựa chọn sản phẩm phù hợp sở trường, cách làm việc chuyên nghiệp và tận tâm của KOL thì còn có sự hỗ trợ rất lớn của công ty công nghệ. Ê-kíp đứng sau sẽ hỗ trợ từ việc cài đặt đến vận hành buổi live nên KOL có nhiều thời gian chuyên tâm tìm hiểu sản phẩm và sáng tạo video nhưng tất nhiên cũng sẽ bị chia sẻ doanh thu.
Cẩn trọng nghĩa vụ thuế
ThS Trần Minh Hiệp – Chủ nhiệm Chương trình đào tạo chuyên sâu về tư vấn thuế, tài chính, kế toán tại Học viện Doanh nhân Tax Law – lưu ý KOL, KOC khi livestream bán hàng phải tìm hiểu kỹ yếu tố pháp lý liên quan giao dịch, nghĩa vụ về thuế, kế toán. Trước tiên, cần xác định 3 hình thức nhận hoa hồng bán hàng trên sàn TMĐT (affiliate), gồm: hợp đồng lao động (livestream bán hàng cho các nhãn hàng và nhận tiền lương, tiền công); hợp đồng dưới dạng cung cấp dịch vụ trên cơ sở đại diện hộ kinh doanh, doanh nghiệp ký hợp đồng cung cấp dịch vụ livestream, môi giới hàng hóa; hợp tác kinh doanh theo dạng hợp tác bán hàng, chia sẻ doanh thu và lợi nhuận.
Nếu lựa chọn dạng hợp đồng lao động, các sàn TMĐT sẽ tạm khấu trừ thuế thu nhập cá nhân với thuế suất 10%. Đến thời điểm quyết toán thuế hằng năm, cá nhân có trách nhiệm quyết toán thuế cho mọi khoản thu nhập có nguồn gốc từ tiền lương, tiền công, thù lao với thuế suất lũy tiến có thể lên tới 35%. “Nếu không làm rõ bản chất giao dịch và nghĩa vụ thuế phát sinh thì không chừng số tiền thuế phải nộp còn lớn hơn lợi nhuận thực sự” – luật sư Hiệp cảnh báo.
Công nghệ | Báo Người Lao Động Online
Nguồn: Sưu Tầm internet