Trong tiến trình thực hiện chuyển đổi số toàn diện, dữ liệu sinh trắc học (STH) sẽ giúp xác thực danh tính công dân trong các giao dịch online. Đồng thời bảo mật danh tính, tạo trải nghiệm liền mạch cho người dùng.
Chống làm giả
Từ ngày 1-7, với việc triển khai cơ sở dữ liệu (CSDL) mới cho căn cước và quy định mới về chuyển tiền online của tài khoản ngân hàng, Việt Nam bắt đầu chính thức ứng dụng công nghệ bảo mật STH sâu rộng hơn trong cuộc sống.
Ngoài dấu vân tay và khuôn mặt, giờ đây, người làm căn cước được lấy mẫu mống mắt – một loại dấu hiệu STH không trùng lắp. Ngoài ra, trước mắt, tại một số điểm làm thủ tục được chọn, công dân có yêu cầu tự nguyện còn được thu thập dữ liệu ADN và giọng nói. Thông tin ADN có ý nghĩa dự phòng biến cố, được sử dụng để xác minh danh tính (XMDT) trong những hoàn cảnh đặc biệt như thiên tai, tai nạn, hỏa hoạn, hỗ trợ nhận diện người thân… mà không thể xác định bằng dấu vân tay hay các dữ liệu STH khác. Việc thu thập dữ liệu STH trong CSDL căn cước được giải thích là để tăng khả năng chống làm giả. Riêng với các loại dữ liệu như khuôn mặt, dấu vân tay, mống mắt hay giọng nói còn được dùng để xác thực danh tính cá nhân. Riêng dữ liệu mống mắt sẽ hữu dụng đối với những người không thể lấy dấu vân tay, như người khuyết tật. Hiện có thêm nhiều nước triển khai thủ tục chụp hình khuôn mặt, lấy dấu vân tay khách nước ngoài nhập cảnh tại sân bay. Có nước chỉ lấy dấu vân tay 2 ngón trỏ, có nước lấy mỗi tay 2 dấu vân tay, thậm chí Mỹ lấy toàn bộ 10 dấu vân tay đối với những người “đậu visa”.
Về việc ngân hàng dùng xác thực STH để giúp tăng cấp độ bảo mật, hạn chế tình trạng ăn cắp tài khoản, lừa đảo chiếm đoạt tiền, ông Lê Hoàng Chính Quang – Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Ngân hàng Nhà nước – chia sẻ với báo giới: “Để chuyển được số tiền 10 triệu đồng thì phải có gương mặt của chính chủ. Tội phạm mà dùng chính tài khoản của mình thì sẽ lưu dấu vết ở ngân hàng, sau này truy vết rất dễ. Tài khoản thì vẫn có thể mua bán nhưng gương mặt thì không thể mua bán được. Điều này sẽ góp phần ngăn chặn được dòng tiền gian lận”.
Khi tiến hành chuyển đổi số và gia tăng sức cạnh tranh, nhiều ngân hàng ở Việt Nam phục vụ khách hàng mở tài khoản online dựa vào ứng dụng phương thức xác thực danh tính eKYC. eKYC định danh dựa trên các dữ liệu thu thập của khuôn mặt, video chân dung ghi trực tiếp và giấy tờ tùy thân của khách hàng, sau đó được đối chiếu với các CSDL có sẵn.
Bảo đảm giao dịch tài chính
Phương thức xác thực STH được thế giới ứng dụng rộng rãi do có nhiều ưu thế: Tính bảo mật cao trong việc XMDT; nhanh chóng; không thể bị người khác sử dụng; chống giả danh, do khó bị giả mạo hoặc đánh cắp.
Theo Alice Biometrics, một công ty Tây Ban Nha chuyên về giải pháp xác thực danh tính, một trong những ứng dụng phổ biến nhất của STH là trong quy trình giới thiệu kỹ thuật số. Nhiều doanh nghiệp và tổ chức sử dụng xác thực STH để XMDT của khách hàng và nhân viên mới trong quá trình đăng ký hoặc tuyển dụng. Điều này không chỉ bảo đảm rằng người đó chính là người mà họ tuyên bố mà còn cải thiện trải nghiệm tổng thể của người dùng bằng cách loại bỏ nhu cầu về mật khẩu phức tạp hoặc xác minh vật lý. Ví dụ, một tổ chức tài chính triển khai công nghệ nhận dạng khuôn mặt để XMDT của khách hàng mở tài khoản ngân hàng mới trực tuyến. Người dùng chỉ cần chụp ảnh khuôn mặt của mình và hệ thống sẽ so sánh các đặc điểm khuôn mặt của họ với dữ liệu STH được lưu trữ để xác nhận danh tính.
STH cũng được sử dụng rộng rãi cho việc kiểm soát tiếp cận trong cả hai môi trường vật lý và số. Nó thường được dùng để theo dõi thời gian và sự có mặt tại nơi làm việc và các cơ sở giáo dục. STH đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm các giao dịch tài chính, đặc biệt là trong lĩnh vực ngân hàng trực tuyến và thanh toán di động. Nó cũng được sử dụng rộng rãi trong các hệ thống quản lý du lịch và kiểm soát biên giới để XMDT của du khách và tăng cường an ninh tại các sân bay, cảng biển và trạm kiểm soát biên giới. Dù với mục đích sử dụng nào, STH đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo đảm tính toàn vẹn và bảo mật danh tính; tạo trải nghiệm thuận tiện và liền mạch cho người dùng. Quy trình xác thực cũng chặt chẽ hơn. Chẳng hạn, khi xuất trình thẻ CCCD trên ứng dụng VNeID, người dùng phải cung cấp thẻ đang online chứ không thể sử dụng hình chụp thẻ. Khi ứng dụng đang online có nghĩa là đã được đăng nhập và xác thực bằng những phương thức bảo mật cao, trong đó có STH.
Bảo mật STH rõ ràng là có độ an toàn cao hơn rất nhiều so với các phương thức bảo mật truyền thống (như mật khẩu, mã PIN, hình vẽ…). Nhưng nó không phải là tuyệt đối an toàn. Trong trường hợp nạn nhân nghe lời dụ dỗ, lừa phỉnh, hầu hết do hám lợi mà tự chuyển tiền cho bọn lừa đảo thì chẳng có giải pháp bảo mật nào có thể cản.
Tỉ lệ chuyển trên 10 triệu, 20 triệu đồng/ngày cao
Theo khảo sát trực tuyến của Công ty Công nghệ Cốc Cốc thực hiện trên nền tảng web từ ngày 1 đến 4-7, ở Việt Nam, tỉ lệ người dùng dùng dịch vụ ngân hàng trực tuyến khá cao và đồng đều ở mọi nhóm tuổi và khu vực. Nhóm tuổi 22-24 được khảo sát chiếm tỉ lệ cao nhất với 77,8%. Đa số người dùng đã từng thực hiện các giao dịch trên 10 triệu đồng/lần hoặc trên 20 triệu đồng/ngày, với tần suất khác nhau. 83,9% người được khảo sát đã từng phát sinh các giao dịch lớn. Đây là những đối tượng phải xác thực STH khi giao dịch chuyển tiền qua ngân hàng.
Tin Tức Công nghệ
Nguồn: Sưu Tầm internet