Tòa án quận Petrodvortsovy của thành phố St. Petersburg vừa phạt nhà cung cấp dịch vụ di động Megafon 600.000 ruble (gần 7.000 USD) vì đã cho phép thực hiện cuộc gọi từ số điện thoại giả mạo.
Trước đó, cơ quan công tố quận Lomonosov, tỉnh Leningrad, chiếu theo điều 159 Bộ luật Hình sự Liên bang Nga về tội lừa đảo qua điện thoại, cáo buộc Megafon không thực hiện nghĩa vụ chấm dứt cung cấp dịch vụ liên lạc và truyền tải lưu lượng vào mạng của mình trong các trường hợp được pháp luật Nga quy định.
Cụ thể, một khách hàng 84 tuổi của Megafon đã nhận được cuộc gọi từ Pháp với số thuê bao của nhà cung cấp dịch vụ di động VimpelCom. Tuy nhiên, theo dữ liệu của VimpelCom, không có cuộc gọi nào tới nạn nhân được ghi lại từ số điện thoại này. Đây là bằng chứng cho thấy số điện thoại dùng để gọi đi đã bị giả mạo.
Văn phòng công tố quận Lomonosov đã đệ đơn kiện nhà mạng viễn thông, bảo vệ lợi ích của người bị lừa đảo qua điện thoại. Cơ quan này yêu cầu nhà điều hành thu hồi số tiền bị bọn lừa đảo đánh cắp và bồi thường những thiệt hại về mặt tinh thần cho nạn nhân.
Cơ quan giám sát giải thích rằng khi nhà mạng không hành động và cho phép kẻ lừa đảo thực hiện cuộc gọi nghĩa là đã cung cấp dịch vụ liên lạc không đúng cách và gây thiệt hại tài sản cho thuê bao.
Hầu hết các hoạt động lừa đảo tại Nga đều bắt đầu bằng một cuộc gọi di động. Số lượng các cuộc gọi từ những đối tượng giả mạo là cảnh sát và nhân viên ngân hàng lên tới 20 triệu cuộc mỗi ngày. Theo thống kê, các nạn nhân đã chuyển cho những kẻ lừa đảo khoảng 44 triệu ruble mỗi ngày, tương đương 15,8 tỉ ruble mỗi năm.
Từ cuối năm 2022, các nhà khai thác dịch vụ điện thoại di động bắt đầu sử dụng hệ thống “Antifrod” (Chống gian lận) để chặn các cuộc gọi đáng ngờ. Cho đến ngày 28-2 năm nay, tất cả các công ty dịch vụ di động phải kết nối với hệ thống này.
Thu hồi rất ít tiền từ cuộc gọi lừa đảo
Theo Bộ Phát triển kỹ thuật số, trong năm 2023, 575.000 số điện thoại mà những kẻ lừa đảo dùng để gọi đã bị chặn. Tuy nhiên, những kẻ lừa đảo nhanh chóng chuyển sang gọi qua các phần mềm nhắn tin (WhatsApp, Viber, Telegram).
Các chuyên gia của Ngân hàng Trung ương Nga cho rằng nạn nhân của các vụ lừa đảo qua điện thoại tại nước này thường là phụ nữ đang đi làm từ 25-44 tuổi, có trình độ học vấn trung học và mức thu nhập trung bình, sống ở thành phố.
Trong năm 2022, chỉ có 4,4% khách hàng bị lừa đảo lấy lại được tiền với tổng số tiền là 618 triệu ruble. Năm 2023, tỉ lệ này tăng lên 8,7% với 1,38 tỉ ruble.
Công nghệ | Tổng hợp tin tức Công Nghệ mới nhất trong ngày
Nguồn: Sưu Tầm internet