Sau khi đưa 4 triệu hộ nông dân “lên sàn thương mại điện tử” (TMĐT) trong năm 2021 thành công, ngay từ những ngày đầu năm 2022, Tổ công tác 1034 của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) đã tiếp tục làm việc với tỉnh Thái Nguyên để triển khai kế hoạch đưa lên sàn TMĐT 100% hộ sản xuất đáp ứng tiêu chí và 100% sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã 1 sản phẩm) từ 3 sao trở lên.

Xây dựng hệ sinh thái số chuyên nghiệp

Là doanh nghiệp (DN) phối hợp chặt chẽ với Bộ TT-TT thực hiện kế hoạch đưa nông dân “lên sàn TMĐT”, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) ưu tiên phát triển các “cửa hàng số” cho hộ gia đình dựa trên hệ thống định vị địa chỉ số để xác định nguồn gốc sản phẩm cùng với việc phát triển tài khoản thanh toán điện tử. Từ đó, có thể hình thành hệ sinh thái số gồm: website bán hàng, ứng dụng (app) bán hàng trên smartphone, cổng truy xuất nguồn gốc thương hiệu…

Các ứng dụng số được triển khai song song với việc kiểm soát cơ sở dữ liệu thông tin về nhà cung cấp, giấy chứng nhận kinh doanh, chất lượng sản phẩm… nhằm bảo đảm nông sản trên kênh online đạt chất lượng, rõ ràng về thương hiệu.

Mở cửa hàng số cho nông dân - Ảnh 1.

Một nhà vườn mang cam đến giới thiệu tại Wefarmer (đường Hoàng Hoa Thám, quận Bình Thạnh, TP HCM) – nơi thường xuyên diễn ra hoạt động livestream giới thiệu nông sản. Ảnh: NGỌC ÁNH

Vietnam Post còn cam kết hỗ trợ các hộ sản xuất nông nghiệp tiếp cận thông tin hữu ích về thị trường nông sản; dự báo nhu cầu và năng lực sản xuất nông sản; cách thức xây dựng quy trình đóng gói, kết nối, giao nhận và tác nghiệp trên sàn TMĐT; thúc đẩy đổi mới phương thức mua bán trên sàn…

Tổng Công ty CP Bưu chính Viettel (Viettel Post) thì cho biết đơn vị này đang tổ chức tập huấn cho hơn 2,5 triệu hộ sản xuất nông nghiệp về quy trình đưa sản phẩm lên sàn, chụp hình, phát trực tiếp (livestream) để tương tác với khách hàng, đóng gói sản phẩm đạt tiêu chuẩn… Năm 2022, Viettel Post đặt mục tiêu đưa sản phẩm nông sản của 5 triệu hộ nông dân lên sàn TMĐT Vỏ Sò.

“App của chúng tôi không ngừng được nâng cấp hằng năm, ứng dụng công nghệ mới. Sử dụng hệ thống này, các DN, chủ cửa hàng có thể quản lý đơn hàng đơn giản và tiện lợi, theo dõi quá trình giao hàng, tra cứu các điểm gửi hàng của Viettel Post trên cả nước, tính cước phí chính xác, quản lý hoạt động thanh toán, đối soát công nợ…” – đại diện Viettel Post thông tin.

Nông dân đã chủ động

Tuy có sự hỗ trợ từ phía DN TMĐT cùng một kế hoạch rõ ràng của Bộ TT-TT về mục tiêu giúp nông dân số hóa các giao dịch buôn bán song bản thân nông dân, các HTX, thương lái, DN nhỏ… cũng cần chủ động tiếp cận ứng dụng số nhiều hơn nữa.

Ông Nông Văn Hùy (nông dân tại tỉnh Bắc Kạn) cho biết mùa quýt năm 2021, chỉ trong một buổi livestream bán hàng chưa đầy 30 phút tại vườn với sự hướng dẫn của nhân viên sàn TMĐT, ông đã bán được khoảng 300 đơn hàng.

“Trong 30 năm trồng và tiêu thụ quýt, chưa khi nào tôi bán được số lượng đơn hàng lớn trong một thời gian ngắn như vậy, ít tốn công sức hơn trước kia rất nhiều” – ông Hùy nói và cho biết sẽ tiếp tục gắn bó với kênh bán hàng online.

Ông Nguyễn Văn Bảy, Giám đốc HTX Bưởi da xanh Giồng Trôm (tỉnh Bến Tre), cho biết HTX đang tái khởi động các gian hàng trên một số sàn TMĐT trong tháng 3-2022 với mục tiêu TMĐT sẽ trở thành kênh tiêu thụ chủ lực của HTX. Bắt đầu bán hàng trên sàn TMĐT từ đầu năm 2021, nhờ sản phẩm có chứng nhận VietGAP, OCOP 4 sao nên HTX Bưởi da xanh Giồng Trôm được người tiêu dùng tin tưởng và đặt hàng rất nhiều.

“Việc kinh doanh bất ngờ bị gián đoạn từ đợt dịch Covid-19 bùng phát hồi giữa năm 2021. Bên cạnh đó, do sàn TMĐT thay đổi đối tác vận chuyển, không thương lượng được giá vận chuyển, chúng tôi phải đóng gian hàng. Hiện HTX đã đàm phán được giá vận chuyển phù hợp và sẽ sớm mở lại gian hàng trên sàn. Trong thời gian dịch bệnh, nông dân của HTX được đào tạo về bán hàng online tốt hơn, họ đã biết chụp hình, quay phim, livestream để giới thiệu sản phẩm” – ông Bảy hồ hởi.

Ông Nguyễn Tuấn Khởi, người sáng lập dự án Food Network, đã tổ chức tập huấn cho nhiều nông dân, HTX để nâng cao kỹ năng bán hàng trên kênh TMĐT. “Đội ngũ của chúng tôi đã tìm đến những nông dân làm ra sản phẩm tốt, giúp họ kể câu chuyện về sản phẩm sao cho hấp dẫn với người tiêu dùng và hướng tới giúp họ tự kể chuyện. Bởi lẽ, sự chân thật, tự nhiên của họ sẽ là điểm cộng, nhất là khi bán hàng trên kênh online” – ông Khởi nói.

Con tôm rừng ngập mặn – đặc sản của Cà Mau – vốn rất khó vận chuyển đến TP HCM nhưng nay, người tiêu dùng dễ dàng mua sản phẩm “chính gốc” và được giao nhanh qua các sàn TMĐT. Anh Phạm Xuân Thành, Giám đốc Công ty TNHH Con Tôm (xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) – TikToker nổi tiếng với nhiều video có hơn 1 triệu lượt xem, đã tận dụng nhiều lợi ích từ công nghệ để bán hàng thành công. Không chỉ sử dụng mạng xã hội như một kênh giao tiếp hiệu quả để giới thiệu về tôm rừng và hành trình khởi nghiệp của mình, anh còn khai thác hiệu quả sàn TMĐT để giao hàng nhanh chóng.

“Người tiêu dùng mua hàng qua sàn rất dễ so sánh giá và không thích chờ lâu. Chúng tôi đã xây dựng một kho hàng tại TP HCM để giải quyết vấn đề trữ hàng, giúp hạ giá thành” – anh Thành cho biết.

Miễn phí lên sàn

Năm 2022, Hội Nông dân Việt Nam và Vietnam Post đặt mục tiêu rà soát, hỗ trợ 7,5 triệu hộ sản xuất nông nghiệp cập nhật thông tin lên sàn TMĐT Postmart.vn.

Các hộ này sẽ được miễn toàn bộ các loại chi phí lên sàn, đồng thời được hỗ trợ đăng ký các công cụ thanh toán điện tử kèm theo các chính sách đào tạo, tập huấn, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.

AN NA – HOÀI DƯƠNG