Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Võ Xuân Hoài, phó giám đốc Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC), khẳng định hệ thống các cơ sở đào tạo, các trường đại học, viện nghiên cứu trên cả nước đủ khả năng để đào tạo đủ số kỹ sư như mục tiêu của Đề án phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, do Bộ KH&ĐT chủ trì và phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan hoàn thiện để trình Thủ tướng trước ngày 25-4.
40.000 học bổng cho kĩ sư bán dẫn
* Là cơ quan trực tiếp soạn thảo đề án đào tạo 50.000 kỹ sư bán dẫn, đến nay NIC đã chuẩn bị những gì để thực hiện mục tiêu đề ra?
– Theo chỉ đạo của Bộ KH&ĐT, NIC đã phối hợp với các đơn vị liên quan để triển khai hai nhóm công việc chính. Thứ nhất là xây dựng đề án phát triển ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng 2045.
Thứ hai là triển khai các hoạt động kết nối đối tác trong và ngoài nước để hỗ trợ các trường đại học, cơ sở đào tạo tại VN phát triển nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn.
Từ tháng 9-2023, trong chuyến công tác của Thủ tướng tại Mỹ, NIC đã ký hợp tác với Synosys và Cadence – hai tập đoàn cung cấp phần mềm thiết kế chip lớn nhất trên thế giới.
Thông qua hợp tác này, NIC cung cấp lại các bản quyền phần mềm cho các trường đại học trong nước để họ có cơ sở, nguồn lực sử dụng trong quá trình đào tạo.
NIC cũng ký kết hợp tác với Đại học bang Arizona – trường đào tạo về ngành chip bán dẫn lớn nhất trên thế giới – để xây dựng các chương trình đào tạo, tận dụng các nguồn lực mà Chính phủ Mỹ hỗ trợ VN để triển khai các chương trình đào tạo.
* Thưa ông, NIC sẽ phối hợp với các trường đại học, các viện thế nào trong đào tạo nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn?
– Thời gian qua NIC phối hợp với Google để mỗi năm cấp khoảng 30.000 suất học bổng, đặc biệt từ năm 2024 sẽ cấp khoảng 40.000 suất học bổng cho các ngành công nghiệp 4.0 với sinh viên các trường trên cả nước.
Những sinh viên, học viên tốt nghiệp nhận được chứng chỉ của Google thì các doanh nghiệp công nghệ lớn tại nhiều quốc gia đều sẵn sàng tiếp nhận vào làm việc. NIC cũng phối hợp với USAID để triển khai đào tạo nguồn nhân lực cho đổi mới sáng tạo và hệ sinh thái khởi nghiệp.
Trong ngành công nghiệp bán dẫn, NIC phối hợp với Synosys, Cadence, Siemens để được hỗ trợ các nền tảng phần mềm thiết kế chip, sau đó bàn giao lại cho các trường đại học nhằm phối hợp với các trường đại học triển khai các chương trình đào tạo dài hạn về ngành công nghiệp bán dẫn.
NIC cũng phối hợp với Cadence và FPT để triển khai chương trình đào tạo dành cho sinh viên, cấp học bổng cho sinh viên xuất sắc trong ngành thiết kế vi mạch. Đồng thời phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP.HCM để thực hiện chương trình đào tạo dành cho giảng viên, sử dụng công nghệ nền tảng của Cadence.
Cung cấp 90.000 kỹ sư chất lượng cao đến năm 2030
* Nhiều ý kiến lo ngại hiệu quả của việc đào tạo 50.000 kỹ sư bán dẫn, đề án có tính tới việc đảm bảo cho các kỹ sư này làm đúng ngành nghề sau khi ra trường?
– Theo khảo sát của Bộ KH&ĐT, với khả năng cung cấp nhân lực của các trường đại học và cơ sở đào tạo của VN, hoàn toàn có thể cung cấp được 50.000 kỹ sư chất lượng cao trong giai đoạn từ nay đến 2030. Nếu kết hợp các chương trình đào tạo ngắn hạn tốt, hoàn toàn có thể có số lượng lớn hơn, chất lượng tốt trên cơ sở hợp tác quốc tế.
Về nhu cầu, thời gian tới VN sẽ tiếp tục thu hút được các doanh nghiệp FDI công nghệ trong các khâu đóng gói, kiểm thử, sản xuất, thiết kế. Ước tính đến năm 2030, VN cần 35.000 kỹ sư cho khâu đóng gói, kiểm thử, sản xuất. Với khâu thiết kế chip, đến 2030 VN có khoảng 100 doanh nghiệp thiết kế vi mạch và cần khoảng 13.500 kỹ sư thiết kế chip.
Dựa trên nhu cầu của các tập đoàn công nghệ đã làm việc với NIC thời gian qua, chúng ta hoàn toàn có khả năng dành một lượng kỹ sư để xuất khẩu sang Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Mỹ… Khảo sát của Hiệp hội Bán dẫn Hoa Kỳ cũng cho biết nhu cầu nguồn nhân lực của ngành công nghiệp bán dẫn thế giới rất lớn chứ không chỉ ở VN.
* Ông cho rằng đâu là những khó khăn với đào tạo nhân lực cho ngành bán dẫn những năm tới?
– Trong quá trình kết nối và triển khai, các chương trình đào tạo nhân lực cho ngành chip bán dẫn đang gặp một số khó khăn về cơ chế chính sách như chưa hoàn thiện chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn nên chưa có định hướng cụ thể trong giai đoạn tới sẽ làm gì.
Để phát triển nhân lực cho ngành bán dẫn đòi hỏi phải có đầu tư lớn, đặc biệt từ nguồn lực của Nhà nước. Muốn vậy, các văn bản luật, nghị quyết của Quốc hội phải đưa được các ưu đãi, hỗ trợ quá trình đào tạo nhân lực bán dẫn. Hơn nữa, cần có cơ chế để thu hút các tài năng người Việt gốc Việt, chuyên gia quốc tế về tham gia công tác đào tạo tại VN. Tuy nhiên, chúng ta chưa có cơ chế cụ thể để thu hút.
Về hạ tầng, chúng ta có một số trường như Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia TP.HCM, Đại học Quốc gia Hà Nội… đã chuẩn bị một số trung tâm nghiên cứu, phòng thí nghiệm cho ngành công nghiệp bán dẫn. Tuy nhiên mới dừng lại ở quy mô nhỏ, tập trung công đoạn thiết kế và một phần công đoạn nghiên cứu các vật liệu.
* Việc đầu tư nâng cấp hạ tầng, đào tạo nhân lực ngành bán dẫn rất lớn. Đề án có tính tới nguồn lực cho vấn đề này không, thưa ông?
– Việc đào tạo nhân lực ngành bán dẫn đòi hỏi phải đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Nguồn lực sau khi đào tạo một phần sử dụng trong nước, một phần sẽ làm việc ở các nước trên thế giới. Điều này đòi hỏi việc đào tạo phải theo chương trình quốc tế, có sự tham gia của chuyên gia quốc tế.
Trong dự thảo đề án phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn, chúng tôi dự kiến sẽ sử dụng nguồn ngân sách ở cả trung ương và địa phương, nguồn xã hội hóa để đầu tư các trung tâm đào tạo quy mô nhỏ và vừa tại các trường đại học, đồng thời tập trung đầu tư cho 3 cơ sở trung tâm nghiên cứu, đào tạo bán dẫn ở 3 miền tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM.
Các trung tâm này sẽ được đầu tư đạt chuẩn quốc tế để dùng chung cho các trường đại học, viện nghiên cứu, các doanh nghiệp và cá nhân có mong muốn khởi nghiệp trong ngành công nghiệp bán dẫn.
* Các địa phương sẽ tham gia đề án đào tạo nhân lực bán dẫn ra sao?
– Trong đề án, chúng tôi đã đề ra cơ chế để các địa phương phối hợp, thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề án. Trong đó, nhiệm vụ phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương với các trường đại học, viện nghiên cứu là rất quan trọng, đặc biệt là phối hợp với doanh nghiệp bán dẫn.
Bộ KH&ĐT sẽ là cơ quan chủ trì, điều phối thực hiện đề án. Tuy nhiên, để triển khai đề án cần có nguồn lực, Bộ KH&ĐT đang làm việc với Bộ Tài chính để bố trí nguồn lực nhà nước để thực hiện. Kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới thì để có được ngành công nghiệp bán dẫn cần có được sự đầu tư chủ yếu từ Nhà nước.
* Giáo sư Nguyễn Mãi (chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài):
Sẽ có thêm nhiều dự án FDI lớn
Thời gian qua, các nhà đầu tư FDI đã cam kết đầu tư 13 – 14 dự án lớn vào VN. Trong năm 2024, chúng ta mới công bố một vài dự án đầu tư lớn, dự kiến trong năm 2025-2026 sẽ có nhiều dự án đầu lớn được công bố. Đây là những tín hiệu tích cực cho thấy VN có cơ hội thu hút đầu tư chất lượng cao và có hiệu quả hơn.
Một trong những lợi thế thu hút các dự án FDI công nghệ của VN là chất lượng nguồn nhân lực. Theo nhận định của Samsung và Intel…, nhân lực chất lượng cao của VN hoàn toàn đáp ứng yêu cầu. Chẳng hạn, tại trung tâm R&D của Samsung ở Hà Nội đang có 3.200 kỹ sư đang làm việc, trong đó có nhiều kỹ sư người Việt.
Đây cũng là trung tâm R&D đứng đầu châu Á của Samsung, trong tương lai đây sẽ là trung tâm R&D lớn nhất thế giới. Samsung cũng đánh giá những kỹ sư phần mềm hàng đầu của VN không kém gì những kỹ sư phần mềm hàng đầu của Hàn Quốc. Chúng ta đang có lợi thế về kỹ sư công nghệ, trong khi chi phí cho kỹ sư VN chỉ bằng 40% thù lao của kỹ sư Hàn Quốc.
Phản ứng chính sách của VN cũng rất nhanh, đặc biệt trong thực thi thuế tối thiểu toàn cầu. Chính phủ cũng sắp ban hành một nghị định theo hướng thay đổi các ưu đãi cho đầu tư FDI từ chủ yếu là thuế sang ưu đãi về tài chính, chi phí, ưu đãi cho nghiên cứu phát triển…, góp phần làm tăng lòng tin của các nhà đầu tư lớn.
* Ông Mai Anh Tuấn (giảng viên ĐH Công nghệ, thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội, người trực tiếp đào tạo kỹ sư bán dẫn tại NIC):
Cần có sự liên kết với các công ty công nghệ
NIC đang tổ chức 3 lớp học ngắn hạn tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM cho 76 học viên là sinh viên xuất sắc năm cuối của các trường kỹ thuật hàng đầu trên cả nước. Các sinh viên được tuyển là những người học đúng ngành thiết kế vi mạch hoặc những ngành gần như điện, điện tử, tự động hóa.
Quá trình đào tạo các học viên sẽ làm việc trong môi trường quốc tế, sử dụng tiếng Anh. Đây là khóa đào tạo ngắn hạn nên khi đào tạo xong các học viên có thể bắt tay ngay vào làm việc. Giảng viên của 3 lớp học rất đặc biệt, đó là những chuyên gia hàng đầu có ít nhất 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực bán dẫn. Tất cả các giảng viên đang ở bang Texas (Mỹ), sẽ đảm nhận phần đào tạo lý thuyết, còn lại các thầy VN sẽ hỗ trợ trong vấn đề thực tập.
Chúng tôi kỳ vọng sẽ tạo ra một liên minh giữa các cơ quan quản lý, trường đại học, các công ty công nghệ. Học viên học xong sẽ được cấp chứng chỉ, các doanh nghiệp có thể tuyển dụng vào làm việc được ngay.
Tuổi Trẻ Online – Nhịp sống số – RSS Feed
Nguồn: Sưu Tầm internet